Liên kết quốc tế,ìsaothísinhkhôngcònmặnmàvớichươngtrìnhliênkếtquốctếmec68 "du học tại chỗ" hay "học để lấy bằng quốc tế" vì sao đã không còn thu hút người học?
CÓ CHƯƠNG TRÌNH CHỈ TUYỂN ĐƯỢC DƯỚI 10 SINH VIÊN
Trong năm tuyển sinh 2023, chương trình cử nhân Anh quốc các ngành quản trị kinh doanh và kinh doanh quốc tế do Trường ĐH Kinh tế - Luật (ĐH Quốc gia TP.HCM) liên kết với ĐH Gloucestershire đã phải tuyển bổ sung mỗi ngành 30 chỉ tiêu. Đây là 2 ngành học hoàn toàn bằng tiếng Anh, với thời gian 2 năm rưỡi học tại VN và 1 năm tại ĐH Gloucestershire.
Tương tự, Trường ĐH Quốc tế (ĐH Quốc gia TP.HCM) năm nay cũng phải tuyển bổ sung 13 ngành học liên kết quốc tế với Anh, Mỹ, Úc..., như quản trị kinh doanh, ngôn ngữ Anh, công nghệ thực phẩm, công nghệ sinh học, kỹ thuật điện tử - viễn thông... Tổng số chỉ tiêu tuyển bổ sung là 210, trong đó, có chương trình tuyển thêm tới 80 chỉ tiêu như quản trị kinh doanh liên kết với ĐH West of England (học 4 năm tại VN).
Tiến sĩ Nguyễn Trung Nhân, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, cho biết trường có 8 chương trình liên kết quốc tế thì mỗi ngành chỉ tuyển được khoảng chục sinh viên (SV), thậm chí có ngành ít hơn.
Điều kiện kinh tế không cho phép
Lúc đầu em cũng muốn học ngành quản trị kinh doanh liên kết với trường ĐH của Mỹ để có bằng tốt nghiệp Mỹ nhưng học phí ba mẹ em chỉ có thể lo được trong 2 năm học ở VN, 2 năm còn lại ở Mỹ rất tốn kém nằm ngoài khả năng kinh tế của gia đình. Sau này đi làm mà có điều kiện thì em du học thạc sĩ ở nước ngoài sau.
Nguyễn Thu Hương,sinh viên năm 1 ngành quản trị kinh doanh
Trường ĐH Tài chính – Marketing
Nếu nhà em có nhiều tiền thì em thích du học luôn, hoặc học một số trường ĐH nước ngoài có ở VN như RMIT, chứ em sẽ không chọn chương trình liên kết vì dù bằng cấp do nước ngoài cấp nhưng môi trường học tập sẽ không thể hoàn toàn như học ở nước ngoài được. Nhà em kinh tế không khá giả nên chọn học chương trình đại trà, nếu mình nỗ lực thì sau này vẫn có công việc tốt.
Nguyễn Văn Thắng,sinh viên năm 2 ngành marketing
Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM
Trường ĐH Mở có 13 chương trình liên kết quốc tế với 2 trường ĐH ở Úc và 1 trường ở Pháp. Theo thông tin từ website của trường, đợt 1 chỉ có hơn 20 thí sinh đủ điều kiện nhập học và trường phải tuyển đợt 2 cho 12 chương trình thuộc ĐH Flinders và Bond (Úc) cấp bằng.
Thạc sĩ Phan Thị Thu Phương, Phó phòng Đào tạo Trường ĐH Mở TP.HCM, cho biết: "Chương trình liên kết luôn tuyển được rất ít so với chương trình chất lượng cao. Mỗi năm chỉ tuyển được khoảng 20 SV ở 2 chương trình của Úc, còn với Pháp thì được khoảng 30 - 40 em. Mấy năm nay năm nào số lượng cũng vậy".
Tại Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, các chương trình liên kết với Anh, Mỹ, Úc, Nhật và một số nước cũng tuyển được tương đối ít. Có chương trình một năm tuyển được 1 - 2 lớp nhưng có chương trình chỉ được 5 - 7 SV.
NHIỀU LỰA CHỌN KHÁC PHÙ HỢP VỚI ĐIỀU KIỆN TÀI CHÍNH
Theo đại diện các trường ĐH, cách đây khoảng hơn chục năm, khi chương trình liên kết còn ít và mới mẻ, bằng cách truyền thông "du học tại chỗ nhận bằng quốc tế", rất nhiều phụ huynh và thí sinh thấy đây là lựa chọn tối ưu. Lý do học tại VN nhưng vẫn có bằng do trường ĐH nước ngoài cấp, rất có giá trị khi tuyển dụng, SV được gần gũi gia đình, tiết kiệm chi phí...
Nhiều cơ hội du học cử nhân chi phí thấp
Chỉ từ chục triệu đến vài trăm triệu đồng mỗi năm, người Việt đã có thể tiếp cận nền giáo dục chất lượng ở các quốc gia. Chẳng hạn, phần lớn học phí trường công lập tại Pháp được chính phủ đài thọ nên SV chỉ cần đóng một mức khiêm tốn từ 68 - 88 triệu đồng/năm. Điều này diễn ra tương tự ở Ý, khi nhiều trường công lập quy định mức học phí cho du học sinh Việt vào khoảng 10 triệu đồng/năm.
Tại châu Á, Hàn Quốc là điểm đến có mức học phí từ 128 - 182 triệu đồng/năm tùy chuyên ngành và có thể thấp hơn ở các trường nằm ngoài thủ đô Seoul. Con số này nằm trong khoảng 49 - 98 triệu đồng/năm nếu chọn Trung Quốc. Đài Loan thì có mức học phí từ 70 - 83 triệu đồng/năm.
Ngọc Long
Tuy nhiên, một thời gian sau, các trường ĐH nở rộ chương trình liên kết, "thị phần" bị chia sẻ. Chưa kể xuất hiện thêm rất nhiều chương trình đào tạo khác như chất lượng cao, tiên tiến, tài năng... với mức học phí thấp hơn liên kết nhưng chất lượng đào tạo cũng tương đương, nhiều chương trình còn được các tổ chức kiểm định quốc tế công nhận, khiến đào tạo liên kết đã không còn là một "đặc sản" của các trường nữa.
Tiến sĩ Nguyễn Xuân Trường, Viện trưởng Viện Đào tạo quốc tế Trường ĐH Tài chính - Marketing, nhận định: "Năm 2023 thực sự là một năm tuyển sinh gặp nhiều khó khăn. Các chương trình đào tạo với mức học phí cao, đặc biệt là chương trình đào tạo liên kết quốc tế ở các trường đều rất khó tuyển sinh nói chung do nền kinh tế sau dịch Covid-19 đang gặp khó khăn đã ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý của các bậc phụ huynh khi lựa chọn môi trường học tập cho các con".
Tại Trường ĐH Tài chính - Marketing, nếu chương trình chuẩn thì học phí chỉ khoảng 25 triệu đồng/năm, tài năng và tích hợp khoảng gần 40 triệu đồng/năm thì liên kết quốc tế là 64 - 80 triệu đồng/năm. Tại Trường ĐH Quốc tế (ĐH Quốc gia TP.HCM), nếu chương trình đại trà học phí là 50 triệu đồng/năm thì chương trình liên kết từ 63 - 67 triệu đồng/năm, chưa kể nếu giai đoạn sau chuyển tiếp ra nước ngoài thì chi phí còn cao gấp nhiều lần. Trong khi đó, học phí giai đoạn 1 tại Trường ĐH Kinh tế - Luật (ĐH Quốc gia TP.HCM) cho chương trình liên kết là 225 triệu đồng/SV và giai đoạn ở Anh là khoảng 15.500 bảng/SV (tương đương 462 triệu đồng).
Tiến sĩ Nguyễn Trung Nhân cho rằng với những gia đình có điều kiện kinh tế khá giả, phụ huynh sẵn sàng cho con đi du học hoàn toàn ở nước ngoài để có môi trường quốc tế thực sự chứ không lựa chọn học chương trình liên kết tại VN. Còn với gia đình không có điều kiện, chắc chắn sẽ lựa chọn học chương trình đại trà, hoặc tài chính khá hơn chút thì chọn chương trình chất lượng cao, tiên tiến...
Bên cạnh yếu tố tài chính, theo tiến sĩ Nguyễn Xuân Trường, tiếng Anh cũng là một rào cản khiến chương trình liên kết quốc tế "kén" người học. "Với việc dạy và học hoàn toàn bằng tiếng Anh, có không ít SV phải học tiếng Anh lại từ đầu để xây dựng nền tảng tiếng Anh. Khi vào chuyên ngành, áp lực học tập sẽ càng gia tăng", tiến sĩ Trường chia sẻ.
Theo một thống kê của Viện Đào tạo và Hợp tác quốc tế Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM, SV cần đạt IELTS 5.5 để bước vào chuyên ngành (được giảng dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh), nhưng có đến 80% SV đầu vào chưa đạt yêu cầu này.
GIẢI PHÁP QUỐC TẾ HÓA MÔI TRƯỜNG HỌC TẬP
Trên thực tế, nếu các chương trình liên kết quốc tế tạo được môi trường học tập quốc tế để rút ngắn càng nhiều càng tốt khoảng cách giữa "du học tại chỗ" với du học thực sự, thì người học sẽ thấy hấp dẫn hơn.
Tiến sĩ Võ Văn Tuấn, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Văn Lang, cho rằng để SV tin tưởng và theo học chương trình liên kết quốc tế, các trường phải đảm bảo SV được thụ hưởng chất lượng đào tạo theo chuẩn quốc tế. Đồng thời tạo môi trường học tập có tính quốc tế, tổ chức nhiều hoạt động đa dạng giúp SV được trải nghiệm, giao lưu với SV trong nước và nước ngoài...
Thạc sĩ Nguyễn Thị Xuân Dung, Giám đốc Trung tâm truyền thông Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, cũng cho biết trường đang nỗ lực quốc tế hóa môi trường ĐH, tạo điều kiện học tập hiện đại nhất cho SV, những hoạt động giao lưu, trao đổi học thuật, văn hóa với bạn bè quốc tế.
Hơn 400 chương trình liên kết đào tạo
Thống kê của Cục Hợp tác quốc tế (Bộ GD-ĐT) cho thấy, năm 2022 cả nước có hơn 400 chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài cho bậc ĐH. Cụ thể có 186 chương trình do các cơ sở giáo dục ĐH tự chủ cấp phép và 222 chương trình do Bộ GD-ĐT cấp phép. Trong đó, khoảng 60% tập trung ở khối ngành kinh tế, quản lý, còn 25% là các chương trình liên quan khoa học công nghệ và chỉ 10% là chương trình của các khối ngành khác.